Hệ thống nhà cung cấp phát triển cùng Samsung
Năm 2018 ghi nhận dấu mốc 10 năm sự có mặt của nhà máy sản xuất điện thoại Samsung tại Việt Nam. Qua 10 năm, tất cả chúng ta đều nhận thấy sự phát triển thần tốc về quy mô nhân lực cũng như sản lượng của Samsung. Đi cùng với sự lớn mạnh không ngừng ấy là sự phát triển tương ứng của hệ thống nhà cung cấp (vendor) thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Với đặc thù của ngành sản xuất thiết bị di động có độ tinh vi và hàm lượng công nghệ cao, khi mới bước vào sản xuất, tất cả các linh kiện để làm thành sản phẩm điện thoại di động đều được nhập khẩu. Mãi cho đến năm 2014 mới có 4 doanh nghiệp trở thành vendor cấp 1 của Samsung. Tỷ lệ nội địa hóa khi đó đạt 35%. Tính đến cuối năm 2017, số doanh nghiệp là vendor cấp 1 của Samsung đã là 29, nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 57%. Theo kế hoạch của Công ty, năm 2020 Samsung sẽ có 50 doanh nghiệp Việt Nam là vendor cấp 1. Tính đến nay, hệ thống vendor của Samsung tại Việt Nam đã có tới hơn 200 doanh nghiệp (bao gồm cả vendor cấp 1 và vendor cấp 2) cung ứng các linh kiện nhựa, khuôn mẫu, in ấn, v.v…trải dài từ Bắc tới Nam. Bước tiến này là kết quả của việc Samsung tham gia vào Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp nhằm phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam. Rõ ràng, việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng cho Samsung cho thấy Samsung đã và đang mang lại hàng trăm ngàn việc làm gián tiếp bên cạnh 160.000 việc làm trực tiếp tại Công ty.
Đó là cái nhìn tổng quan về sự phát triển của hệ thống vendor. Để nhìn sâu hơn vào sự phát triển nội tại của một doanh nghiệp là vendor của Samsung, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Văn Hùng- Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Nhựa An Phú Việt. Công ty chuyên cung cấp các linh kiện nhựa của vỏ điện thoại, vỏ sạc…cho các nhà máy của Samsung. Là vendor của Samsung từ năm 2015 sau khi được các chuyên gia từ Samsung hỗ trợ trong khuôn khổ Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp. Chia sẻ về quãng thời gian đồng hành cùng Samsung, anh Hùng cho biết việc trở thành vendor của Samsung có ý nghĩa bước ngoặt với công ty của anh vì những yêu cầu khắt khe của Samsung giúp cho doanh nghiệp của anh có cơ sở thay đổi, cải tiến năng lực sản xuất, năng suất lao động, hệ thống quản lý chất lượng để đáp ứng về mặt thời gian, sản lượng và chất lượng do Samsung đặt ra. Anh cũng áp dụng mô hình quản lý vệ sinh công nghiệp 5S tương tự như Samsung cho doanh nghiệp của mình. Chính sự cải tiến đó đã giúp An Phú Việt có cơ hội tìm thêm những khách hàng lớn khác, tạo điều kiện để doanh nghiệp của anh mở rộng quy mô sản xuất. Với xuất phát điểm là doanh nghiệp nhỏ chỉ có 8 nhân viên với 3 máy ép nhựa cung cấp cho 1 khách hàng thì nay những con số đó lần lượt là 200 nhân viên, 50 máy ép nhựa và 8 khách hàng.
Không chỉ hợp tác với các vendor sản xuất linh kiện điện thoại, các nhà máy của Samsung còn có mối liên kết chặt chẽ với các vendor dịch vụ khác như an ninh, vệ sinh, nhà ăn…Chính những vendor này đã và đang góp phần giúp các nhà máy vận hành trơn tru mỗi ngày. Trực tiếp làm việc tại SEV với vị trí Bếp trưởng, anh Trinh cùng 300 nhân viên của vendor Ba Sao hàng ngày cung cấp gần 30.000 suất ăn cho nhân viên của SEV tại nhà ăn 3. Bên cạnh đó, Công ty Ba Sao cũng đang cung cấp suất ăn cho nhân viên tại 2 nhà ăn của nhà máy SEVT. Làm việc tại vị trí này 5 năm, anh Trinh được chứng kiến sự phát triển của Samsung thông qua chính những bữa ăn hàng ngày. Trong 5 năm qua, số lượng suất ăn mà công ty Ba Sao cung cấp cho SEV đã tăng gấp 3 lần, điều đó phản ánh tốc độ phát triển về quy mô và nhân lực của Samsung tại Bắc Ninh. Anh Trinh cho biết, hiện tại ngoài Samsung thì Công ty anh cũng đang là nhà thầu của hơn 50 doanh nghiệp khác. Tuy nhiên Samsung là doanh nghiệp có đòi hỏi khắt khe nhất cả về chất lượng dịch vụ, vấn đề vệ sinh cũng như tính chuyên nghiệp của nhân viên. Chính những điều đó khiến các nhân viên của Ba Sao làm việc với chuẩn mực cao hơn và năng suất lao động tốt hơn. Những nhân viên chuyển từ nhà ăn của Samsung đi làm việc tại các nhà ăn khác rất dễ dàng bắt nhịp với công việc do đã được rèn luyện kỹ năng làm việc tại Samsung. Tuy nhiên số nhân viên chuyển đi không nhiều do điều kiện làm việc tại Samsung rất tốt nên hầu hết những nhân viên đang làm cho vendor Ba Sao tại nhà ăn Samsung đều gắn bó rất lâu.
Anh Trinh bày tỏ sự ngưỡng mộ khi chứng kiến thay đổi diện mạo của Samsung cũng như tác động của Samsung tới khu vực lân cận. Ngày anh mới làm việc tại đây, làng mạc xung quanh khu công nghiệp này hầu như còn rất nghèo và hoang sơ, nhưng đến nay nó đã trở thành khu vực dân cư đông đúc và phát triển. Anh cũng chia sẻ về chương trình hỗ trợ các hộ chăn nuôi bằng lượng thức ăn không dùng hết tại các nhà ăn Samsung. Chương trình đã diễn ra từ cuối năm 2016, không chỉ giúp tránh lãng phí lượng thức ăn lớn mà còn góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm phần nào chi phí cho các hộ kinh doanh chăn nuôi trên địa bàn.
Sự lớn mạnh của hệ thống vendor nội địa phản ánh sức phát triển của Samsung tại Việt Nam. Đồng thời nó còn cho thấy Samsung đã và đang góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội thông qua việc tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động thuộc các công ty vệ tinh. Rõ ràng, Samsung đang thực hiện tốt triết lý mà Công ty luôn theo đuổi, đó là đem lại cuộc sống tốt đẹp cho con người tại nơi Samsung có hoạt đông kinh doanh. Nói cách khác, đó chính là sự đồng thịnh vượng, một trong những giá trị cốt lõi tạo nên Samsung.
Doanh nghiệp > B2B
Nếu có thắc mắc liên quan đến dịch vụ khách hàng, xin truy cập https://www.samsung.com/vn/info/contactus để được trợ giúp.
Nếu có các câu hỏi liên quan đến báo chí, xin liên hệ qua địa chỉ xinchao.samsung@samsung.com.