Người Samsung: Những gương mặt cải tiến “triệu đô”

29/04/2021
Share open/close
Sao chép URL.

Trong số hàng trăm nghìn nhân viên Samsung Việt Nam hàng ngày vẫn đang miệt mài làm việc và cống hiến, có những nhân tài thực thụ đã và đang làm việc không ngừng nghỉ với suy nghĩ làm sao có thể cải tiến, cải tiến nhiều hơn nữa để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nổi bật trong số đó là chị Phạm Thị Huệ, Bộ phận Kiểm chứng sản phẩm mới, nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) và anh Dương Văn Hùng, Bộ phận CNC, nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) với những ý tưởng cải tiến vượt bậc.

Chị Phạm Thị Huệ – Nữ hoàng cải tiến của nhà máy SEV

 

Nhiệm vụ chính của chị Huệ và đồng nghiệp là tiếp nhận những sản phẩm mới từ Samsung tập đoàn, từ đó kiểm chứng lại các công đoạn tháo lắp, tái chế vật liệu trước khi bước vào sản xuất hàng loạt. Chín năm làm việc tại Samsung, với tài năng, sự quyết đoán và nhạy bén của mình, chị vẫn giữ được sự nhiệt huyết và luôn tìm cách để có thể tối ưu hóa các giải pháp. Trong đó, ấn tượng nhất là giải pháp cải tiến cho phương án sửa miếng đệm chống va đập camera trước trong trạng thái đã gắn màn hình.

 

Chân dung chị Phạm Thị Huệ – Nữ hoàng cải tiến tại SEV

 

Cải tiến này đã giúp tạo quy trình sửa chữa mới đơn giản mà không phải tháo rời màn hình, chỉ với thanh công cụ đủ nhỏ với giá thành thấp, nhân viên có thể khắc phục trực tiếp vấn đề phát sinh mà không cần thao tác lại từ đầu. Nhờ vậy, năng suất lao động đã tăng vượt bậc, nếu như trước đây thời gian thao tác là 253 giây/sản phẩm, thì giờ đây chỉ cần 21 giây/ sản phẩm, đồng thời cải tiến này còn  khắc phục triệt để tình trạng hao hụt vật liệu, giúp tiết kiệm chi phí cả về thiết bị và nhân công, giúp tiết kiệm hơn 274.000 USD/năm. Cải tiến này của chị Huệ đã được Samsung Hàn Quốc đánh giá hạng Xuất sắc (Excellent) và mở rộng áp dụng cho các dòng sản phẩm có cấu trúc tương tự tại các nhà máy Samsung toàn cầu.

 

Chia sẻ về công việc của mình, chị Huệ cho biết: “Nhiệm vụ của nhóm chúng tôi là khi tiếp nhận sản phẩm mới từ công ty mẹ bàn giao về phải kiểm chứng xem sản phẩm này khi tháo và muốn tái chế các vật liệu thì phải làm như thế nào, cần phải tạo vật liệu gì cũng như dụng cụ hỗ trợ đi kèm. Chỉ một vật liệu rất nhỏ bị hỏng cũng có thể phải bỏ đi cả cụm vật liệu đắt tiền liên quan nếu không tìm ra phương án sửa chữa và tái chế nó. Vì thế cho nên tôi phải không ngừng nghĩ về các giải pháp làm thế nào để có thể giải quyết vấn đề này.”

 

Những cải tiến của chị Huệ từ năm 2020 đến nay đã giúp Công ty tiết kiệm hơn 1,3 triệu USD

 

Đây chỉ là một trong 61 cải tiến của chị Huệ trong năm 2020 và tính từ đầu năm 2021 đến nay, chị cũng có hơn 10 cải tiến lớn. Những cải tiến của chị trong hơn một năm qua đã giúp SEV tiết kiệm hơn 1,3 triệu USD. Những đóng góp đó của chị đã được Công ty ghi nhận qua danh hiệu Vua cải tiến năm 2020.

 

Anh Dương Văn Hùng – Tác giả cải tiến triệu đô tại SEVT

 

Tương tự như chị Huệ, tốt nghiệp ra trường, anh Dương Văn Hùng lựa chọn Samsung là nơi làm việc đầu tiên và gắn bó đến bây giờ. Mỗi khi tiếp nhận dòng sản phẩm mới, anh đều dành thời gian nghiên cứu và tìm cách tối ưu hóa các công đoạn một cách nhanh nhất có thể. Nhớ lại lần đầu tiếp nhận một dòng sản phẩm chiến lược mới đòi hỏi nhiều kiến thức và thách thức. Tuy nhiên, điều đó càng đánh thức khả năng sáng tạo của chàng kỹ sư với niềm đam mê bất tận. Sau thời gian ngắn tiếp nhận và sản xuất thử nghiệm, anh Hùng đã nhận ra các lỗi gây bẩn và xước trong công đoạn tạo màu và độ cứng cho bề mặt khung điện thoại.

 

Chân dung anh Dương Văn Hùng – tác giả cải tiến “triệu đô” tại SEVT

 

Ngay khi nhận thấy vấn đề, anh và đồng đội đã lập tức nghiên cứu và nhanh chóng tìm ra nguyên nhân là do chất liệu của khay công cụ và khung điện thoại là hai kim loại khác nhau, dẫn đến sự chênh lệch về thế điện động. Sự chênh lệch này tạo ra sự dịch chuyển của các ion bám lên bề mặt sản phẩm gây bẩn, xước. Nhóm của anh Hùng đưa ra hướng giải quyết bằng sáng kiến đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Đó là tận dụng khay nhựa có sẵn, kết hợp với khung inox để thay thế khay công cụ bằng kim loại. Hiệu quả có thể thấy rõ khi nhờ cải tiến này mà thời gian thao tác tháo lắp sản phẩm đã giảm 14 lần và tình trạng bẩn và xước gần như được loại bỏ giúp tiết kiệm hơn 1,3 triệu USD/năm. Đáng chú ý, cải tiến này còn có thể áp dụng cho tất cả các dòng sản phẩm khác

 

Để có được quả ngọt như vậy, hơn hết, chính nhờ sự thông minh, ý chí quyết tâm của anh Hùng không ngại vượt khó trong quá trình làm việc. Nói riêng về cải tiến này, anh Hùng chia sẻ: “Việc cải tiến phải đảm bảo 3 tiêu chí: khắc phục trực tiếp được vấn đề phát sinh, có thế áp dụng được cho dòng sản phẩm khác để không tốn thêm chi phí đầu tư mua thiết bị mới, có thể thao tác dễ dàng để giảm thời gian thao tác. Sau khi bước đầu tạo ra công cụ cải tiến thử nghiệm, chúng tôi đã trải qua nhiều lần thử nghiệm và chỉnh sửa cho đến khi hoàn chỉnh được và hiện thực hóa ý tưởng cải tiến đó.”

 

 

Đây là một trong hơn 10 cải tiến lớn của anh Hùng được áp dụng trong năm vừa qua, chưa kể rất nhiều cải tiến nhỏ khác mà bản thân anh cũng không thể nhớ hết được. Cùng những nỗ lực trong quá trình làm việc, anh Hùng được ghi nhận là Nhân viên xuất sắc của quý I, năm 2021.

 

Có thể tin tưởng rằng, những tấm gương sáng như chị Huệ, anh Hùng sẽ là những người truyền cảm hứng cho những đồng nghiệp Samsung luôn giữ vững tinh thần làm việc và không ngừng đổi mới, sáng tạo hơn, đúng với hai giá trị cốt lõi trong triết lý kinh doanh của Samsung đó là Không ngừng thay đổi – Vươn tới đỉnh cao.

Bài: Thu Hòa – Quỳnh Oanh

Ảnh: Hữu Trọng

 

Doanh nghiệp > Con người & Văn hóa

Nếu có thắc mắc liên quan đến dịch vụ khách hàng, xin truy cập https://www.samsung.com/vn/info/contactus để được trợ giúp.
Nếu có các câu hỏi liên quan đến báo chí, xin liên hệ qua địa chỉ xinchao.samsung@samsung.com.

Xem qua những câu chuyện mới nhất về Samsung

Tìm hiểu thêm
Lên đầu trang