[Phỏng vấn] Thoải mái trải nghiệm âm thanh chất lượng điện ảnh ngay tại nhà: Gặp gỡ những người tiên phong trong công nghệ âm thanh 3D thế hệ mới

15/11/2023
Share open/close
Sao chép URL.

Nhằm mang đến trải nghiệm giải trí hoàn hảo cho người xem, từ phim ảnh, thể thao đến sự kiện phát sóng trực tiếp, TV tại gia không chỉ cần chất lượng hình ảnh sắc nét mà còn phải tạo ra chất lượng âm thanh sống động như thật. Hiểu được điều này, các công ty đầu ngành đang đẩy mạnh phát triển công nghệ âm thanh 3D để làm tăng trải nghiệm giải trí đắm chìm – đưa người xem hòa mình vào những cảnh hành động gay cấn và bắt trọn những âm thanh nhỏ nhất.

 

Nhìn chung, âm thanh 3D khiến người nghe có cảm giác như đang có mặt trực tiếp ở các pha hành động. Trước đây, âm thanh 3D chỉ được hỗ trợ tại một số địa điểm cụ thể như rạp chiếu phim hoặc phòng thu âm, nhưng hiện nay đang được mở rộng đến các gia đình, cung cấp cho người dùng cách thức mới để trải nghiệm nội dung yêu thích.

 

Trung tâm nghiên cứu công nghệ tiên tiến của Samsung Electronics – Samsung Research – đã và đang không ngừng nỗ lực phát triển nhằm phổ biến công nghệ âm thanh 3D, bắt đầu từ năm 2020. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Samsung đã hợp tác với Google để phát triển Mô hình và Định dạng âm thanh sống động (IAMF – Immersive Audio Model and Formats) – một công nghệ âm thanh không gian 3D tiên tiến. Công nghệ này đã được Liên minh Truyền thông Mở (AOM – Alliance for Open Media[1]) chính thức công nhận vào tháng 10 năm 2023. Samsung Newsroom đã có cuộc trò chuyện với đội ngũ phát triển IAMF để tìm hiểu về hành trình mang công nghệ đột phá này vào cuộc sống.

 

▲ Đội ngũ phát triển công nghệ hình ảnh tại Samsung Research, tiên phong trong việc phát triển tiêu chuẩn cho công nghệ âm thanh. (Từ trái sang) SungHee Hwang, JeongHoon Park và WooHyun Nam

 

Cách trải nghiệm âm thanh 3D mới ngay tại nhà

 

Âm thanh tồn tại ở khắp mọi nơi – từ tiếng giày bước đi trên vỉa hè đến tiếng xe cộ di chuyển trên đường phố. Mặc dù không phải lúc nào những âm thanh này cũng cần thiết trong truyền thông, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc tạo chiều sâu và cảm giác chân thực cho các nội dung. Âm thanh 3D có khả năng kết hợp hài hòa giữa tiếng động trong môi trường xung quanh với các cuộc trò chuyện và hiệu ứng âm thanh khác để tạo ra trải nghiệm giải trí sống động và chân thực hơn.

 

Chuyên gia WooHyun Nam đến từ Bộ phận Công nghệ Hình ảnh tại Samsung Research chia sẻ: “Âm thanh 3D khiến bạn cảm thấy như đang sống giữa các cảnh hành động bằng cách điều chỉnh mức âm lượng, chuyển động và độ rung của âm thanh. Bằng cách này, người xem có thể thưởng thức âm thanh một cách trọn vẹn, nắm bắt được các khía cạnh 3D trong thế giới xung quanh.”

 

▲ Ông SungHee Hwang đến từ Bộ phận Công Nghệ Hình ảnh tại Samsung Research

 

Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng việc áp dụng âm thanh 3D này vào các thiết bị âm thanh gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn, do những hạn chế về mặt công nghệ. Ông SungHee Hwang của Bộ phận Công nghệ Hình ảnh tại Samsung Research cho biết: “Thông tin âm thanh 3D từ nội dung không được truyền tải chính xác vì hệ thống âm thanh gia đình như loa TV hoặc loa thanh (soundbar) chưa đủ điều kiện đáp ứng, dẫn đến trải nghiệm âm thanh bị hạn chế và thiếu chi tiết so với nội dung gốc”.

 

Để giải quyết vấn đề này, Samsung đã hợp tác với Google để phát triển giải pháp âm thanh cho phép người xem trải nghiệm nội dung như mong muốn. Ông WooHyun Nam chia sẻ: “Nếu dữ liệu âm thanh 3D có thể được đọc bởi các nhà sản xuất thiết bị, họ có thể điều chỉnh âm thanh trong các thiết bị – tạo trải nghiệm đắm chìm với loa TV hoặc soundbar tiêu chuẩn tại nhà. Nhờ đó, người nghe có được trải nghiệm đúng với ý định của nhà sản xuất mà âm thanh không méo mó hoặc giảm chất lượng.”

 

Cần có một tiêu chuẩn thống nhất để gửi và nhận dữ liệu âm thanh một cách suôn sẻ giữa người sáng tạo và nhà sản xuất thiết bị. Ông JeongHoon Park, Phó Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Công nghệ Hình ảnh tại Samsung Research nói rằng: “Chuyên môn về thiết bị và nội dung của Samsung và Google giúp hai công ty trở thành đối tác lý tưởng để tạo ra công nghệ IAMF. Thông qua lần hợp tác phát triển công nghệ chưa từng có này, chúng tôi đang mở đường cho âm thanh 3D tiếp cận và phổ biến tại các hộ gia đình.”

 

Ba đặc điểm của công nghệ IAMF: Âm thanh chiều dọc, âm thanh dựa trên AI và âm thanh tùy chỉnh

 

Công nghệ IAMF mang đến ba tính năng nổi bật giúp nâng cao trải nghiệm âm thanh.

 

▲ WooHyun Nam của Bộ phận Công nghệ Hình ảnh tại Samsung Research

 

  1. Khả năng truyền tải âm thanh đa chiều

 

Các codec âm thanh mã nguồn mở trước đây chỉ hỗ trợ thể hiện âm thanh theo chiều ngang. Với công nghệ IAMF, âm thanh giờ đây có thể được thể hiện theo chiều dọc, giúp truyền tải âm thanh theo nhiều hướng hơn. Ông WooHuyn Nam cho biết: “IAMF khiến âm thanh tạo ra trở nên trung thực hơn bằng cách cho phép người nghe cảm nhận âm thanh ở phía trước, phía sau, hai bên và cả phía trên hoặc phía dưới họ. Vì vậy, khi công nghệ IAMF được áp dụng cho loa TV và soundbar, người nghe cảm thấy âm thanh như tiếng chim bay qua đầu trên TV giải trí tại nhà.”

 

  1. Phân tích cảnh quay dựa trên AI và hiệu ứng âm thanh 3D

 

IAMF sử dụng AI và công nghệ học sâu (deep-learning) để phân tích các cảnh quay và nhấn mạnh vào một số nội dung nhất định – điều chỉnh mức âm thanh để nâng cao chất lượng âm thanh trong suốt trải nghiệm xem. Theo ông WooHyun Nam, “Trong truyền hình và điện ảnh, có một số cảnh mà nhạc phim hoặc nhạc nền là trọng tâm chính. IAMF sẽ cân bằng âm thanh trong những trường hợp này. Tương tự, công nghệ sẽ tinh chỉnh âm thanh khi có đối thoại nhân vật để người nghe có thể tập trung vào cuộc trò chuyện.”

 

Ngoài ra, công nghệ IAMF còn cung cấp âm thanh tối ưu bất kể những thay đổi trong môi trường thiết bị. Ông WooHyun Nam cho biết thêm: “Bằng cách điều chỉnh dữ liệu âm thanh phân tích cảnh quay theo môi trường thiết bị, công nghệ IAMF cho phép người nghe thưởng thức chất lượng âm thanh gốc của nội dung ngay cả trên TV gia đình thông thường.”

 

  1. Khả năng tùy chỉnh âm thanh cao

 

Với công nghệ IAMF, người dùng có thể tự do điều chỉnh âm thanh theo sở thích. Cho dù người xem đang tìm cách khuếch đại hiệu ứng âm thanh từ một cảnh hành động hay làm rõ lời thoại, IAMF đều mang đến khả năng linh hoạt tùy chỉnh âm thanh theo nội dung để có trải nghiệm cá nhân hóa cho người dùng.

 

▲ Công nghệ IAMF phân tích dữ liệu từ nội dung và cho phép người xem điều chỉnh và cá nhân hóa các cài đặt âm thanh. Ví dụ như khi xem một trận đấu thể thao, người dùng có thể trực tiếp chọn nhấn mạnh giọng nói của bình luận viên hoặc âm thanh trận đấu

 

Âm thanh 3D phủ sóng toàn ngành với công nghệ IAMF mã nguồn mở

 

Mã nguồn mở là yếu tố thiết yếu để tạo ra một tiêu chuẩn thống nhất cho âm thanh 3D trên toàn ngành. IAMF là tiêu chuẩn công nghệ âm thanh mã nguồn mở đầu tiên được AOM thông qua – nghĩa là tất cả nhà sáng tạo nội dung, từ các tập đoàn lớn đến các cá nhân độc lập, đều có thể truy cập và sử dụng công nghệ này.

 

Ông WooHyun Nam cho biết: “Để mọi người có thể tự do sáng tạo nội dung với công nghệ âm thanh 3D, các công nghệ liên quan đều cần phải mở cho tất cả mọi người. Việc cung cấp một khung mã nguồn mở hoàn chỉnh cho âm thanh 3D, từ khâu sáng tạo đến phân phối và phát lại, sẽ giúp tạo ra nhiều trải nghiệm nội dung âm thanh đa dạng trong tương lai.”

 

Tương tự, ông Park nhấn mạnh rằng công nghệ IAMF sẽ có tác động lớn đến tổng thể âm thanh trong tương lai. Ông nhận định: “Vì chúng ta đang sống trong thời đại bị chi phối bởi việc sáng tạo nội dung, IAMF sẽ giúp dẫn dắt, mở rộng và chuyển đổi hệ sinh thái âm thanh 3D.”

 

Thành công đạt được thông qua hợp tác

 

Công trình nghiên cứu về IAMF bắt đầu vào năm 2020 và mất gần bốn năm để hoàn thành. Bằng sự kiên trì bền bỉ và chăm chỉ, đội ngũ nghiên cứu đã đạt được thành công. Ông Hwang cho biết: “Dự án kéo dài với nhiều ngày làm việc không ngừng nghỉ, và có những lúc chúng tôi cần phải làm việc vào ban đêm do chênh lệch múi giờ giữa văn phòng của chúng tôi và Google. Mặc dù có nhiều thách thức, nhưng cuối cùng tôi cảm thấy rất tự hào. Đó là một cơ hội tuyệt vời để làm việc với các nhà phát triển đến từ các quốc gia khác.”

 

Đội ngũ đã phát triển tình cảm khắng khít trong suốt hành trình và xây dựng nền tảng vững chắc về sự tin tưởng và hiểu biết. Ông JeongHoon Park nhớ lại: “Một nhân viên của Google đã nói rằng, đây là dự án hợp tác thú vị nhất mà anh ấy từng tham gia. Chúng tôi hoàn thành dự án này vì sự tin tưởng lẫn nhau của đôi bên. Tôi rất tự hào và biết ơn những nỗ lực và sự hợp tác của các thành viên trong nhóm.”

 

▲ JeongHoon Park, Phó Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Công nghệ Hình ảnh tại Samsung Research

 

Ngoài ra, ông Park cũng dành lời khen cho những kỹ năng và chuyên môn độc đáo của từng thành viên trong nhóm, góp phần quan trọng vào quá trình tạo ra công nghệ IAMF. Ông JeongHoon Park chia sẻ: “WooHyun Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đề xuất các ý tưởng phát triển công nghệ, trong khi SungHee Hwang chịu trách nhiệm tổ chức và ghi chép lại các ý tưởng của nhóm một cách rõ ràng và mạch lạc.”

 

Tầm nhìn cho ‘Âm thanh Samsung’

 

Sau khi công bố công nghệ IAMF, đội ngũ Samsung Research nhận ra rằng việc tiêu chuẩn hóa âm thanh không gian 3D đã đánh dấu một kỷ nguyên mới của công nghệ âm thanh.

 

“Nhờ IAMF, chúng tôi có thể bắt đầu nghiên cứu các công nghệ mới, mở ra một thế giới mới về âm thanh”, ông Nam chia sẻ. Cùng với đó, bộ phận nghiên cứu của Samsung hiện đang phát triển một phiên bản nâng cao của công nghệ IAMF có thể áp dụng cho các lĩnh vực khác nhau như thiết bị di động, siêu vũ trụ, trò chơi điện tử và hơn thế nữa.

 

▲ Với nỗ lực và tinh thần kiên trì không bỏ cuộc, Bộ phận Công nghệ Hình ảnh tại Samsung Research đã thành công trong việc tạo ra một tiêu chuẩn mới cho âm thanh 3D

 

Tiếp nối thành công của IAMF, bộ phận nghiên cứu Samsung được truyền cảm hứng và có thêm động lực để tạo ra công nghệ âm thanh tốt nhất cho người dùng. Mỗi thành viên trong nhóm đã chia sẻ về những khát vọng của họ đối với tương lai của âm thanh 3D.

 

Ông WooHyun Nam bày tỏ mong muốn tạo ra công nghệ âm thanh sống động hơn. “Tôi muốn tạo ra một công nghệ âm thanh 3D tiên tiến hơn, giúp người dùng cảm thấy như họ đang thực sự ở trong bối cảnh của một bộ phim, chương trình truyền hình hoặc sự kiện trực tiếp. Tôi cũng hy vọng sẽ tiếp tục thực hiện nghiên cứu này cho đến khi âm thanh 3D được áp dụng cho điện thoại thông minh của Samsung.”

 

Bên cạnh đó, ông SungHee Hwang chia sẻ về việc hi vọng có thể tạo ra công nghệ âm thanh vượt trội để đưa Samsung ngang hàng với các công ty âm thanh hàng đầu khác. “Mục tiêu của tôi là phát triển một công nghệ mà người dùng có thể dễ dàng nhận ra đây là ‘Âm thanh Samsung’ khi họ nghe thấy nó. Tôi tin rằng tiêu chuẩn IAMF là bước đệm để đạt được ước mơ.”

 

Ông Park chia sẻ: “Tôi hy vọng rằng công nghệ âm thanh của Samsung sẽ giúp người dùng có được trải nghiệm âm thanh tuyệt vời như trải nghiệm hình ảnh hiện tại. Tôi cũng rất mong các nhà sáng tạo nội dung sẽ sử dụng công nghệ âm thanh của Samsung để tạo ra nội dung âm thanh 3D hấp dẫn. Ngoài ra, chúng tôi đặt mục tiêu tạo ra một môi trường hỗ trợ để các nhà nghiên cứu có thể thực hiện những thách thức táo bạo và thú vị như mở rộng công nghệ âm thanh của Samsung.”

 

Các tiêu chuẩn công nghệ như IAMF biến hoạt động giải trí trở nên hấp dẫn với người xem ở mọi phương diện. Đội ngũ nghiên cứu của Samsung không ngừng nỗ lực để mở ra xu hướng đổi mới của âm thanh trong tương lai.

 

 

[1] Một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập để phát triển và chia sẻ công nghệ phân phối đa phương tiện, cho phép các nhà sáng tạo sử dụng công nghệ mà không cần lo lắng về chi phí. Tổ chức này được vận hành bởi một liên minh gồm 38 công ty, bao gồm Samsung Electronics, Google, Amazon, Apple và Meta.

Sản phẩm > TV & Nghe nhìn

Nếu có thắc mắc liên quan đến dịch vụ khách hàng, xin truy cập https://www.samsung.com/vn/info/contactus để được trợ giúp.
Nếu có các câu hỏi liên quan đến báo chí, xin liên hệ qua địa chỉ xinchao.samsung@samsung.com.

Xem qua những câu chuyện mới nhất về Samsung

Tìm hiểu thêm
Lên đầu trang