Samsung: Lựa chọn của bộ ba nữ kỹ sư

25/03/2020
Share open/close
Sao chép URL.

Tháng 3 là tháng để tôn vinh những người phụ nữ với ngày 8/3 và cũng là thời điểm để chúng ta kỷ niệm ngày Samsung chính thức mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam (25/03/2008). Vì vậy, nhân dịp kỷ niệm 12 năm thành lập Samsung Electronics Việt Nam, xin dành tặng bài viết về những người nữ kỹ sư đã góp phần tạo nên Samsung của ngày hôm nay. Điều đặc biệt là họ đã từng là bạn từ thời Đại học và sánh vai nhau tại Samsung ngay từ những ngày đầu thành lập…

Nhớ về 12 năm trước, 3 nữ trưởng phòng của Samsung Việt Nam là Trương Thị Sâm (APS H/W Eng.P – SEV), Đoàn Hương Giang (Func. Testing P – SVMC), Phạm Thị Loan (S/W Eng. P – SEV) đều không thể nghĩ rằng mình có thể gắn bó với nơi này lâu đến như vậy. Có lẽ niềm đam mê công nghệ và sự nhiệt thành của tuổi trẻ đã tạo nên những tài năng tỏa sáng, góp phần vào thành công của Samsung ngày hôm nay.

 

Tháng 5 năm 2008, trước ngưỡng cửa đầu tiên của cuộc đời, không hẹn mà gặp, ba cô sinh viên trẻ của Khoa Điện tử Viễn thông của Đại học Bách khoa Hà Nội cùng ứng tuyển vào Samsung Việt Nam, mặc dù mỗi người đều có những cơ hội việc làm khác ổn định hơn. Chị Sâm nhớ lại lý do mình lựa chọn Samsung:

 

Năm ấy, khi đang thực tập ở Bưu điện của tỉnh Bắc Ninh, cũng dự định ra trường thì sẽ làm ở đó. Nhưng khi biết tin Samsung có chương trình tuyển dụng, tôi rất muốn thử sức một lần nên đã quyết định nộp hồ sơ”.

 

Chị Trương Thị Sâm trong một khóa đào tạo quản lý của Samsung

 

Những ngày đầu tiên bước chân đến Samsung, từ nhà xưởng đến dây chuyền sản xuất, mọi thứ vẫn còn đang ngổn ngang, chưa thành hình. Bộ ba cùng các tân kỹ sư khác là những người mang trong mình sứ mệnh cao cả – xây dựng thành công một nhà máy do chính người Việt Nam làm chủ.

 

Với sức trẻ và tinh thần nhiệt huyết, cả ba lập tức hòa mình vào công việc bằng khóa đào tạo tại Samsung Việt Nam và những nhà máy khác của Samsung trên toàn cầu. Quá trình đào tạo với lượng kiến thức khổng lồ cùng rào cản về ngôn ngữ hay các thao tác trên dây chuyền phức tạp nhưng không làm khó được những kỹ sư trẻ.

 

Chị Phạm Thị Loan luôn vui vẻ trong công việc và gắn bó với Samsung hơn một thập kỷ qua

 

Nhớ lại lần đầu tiên bước chân vào xưởng sản xuất, chị Loan khi ấy đã vô cùng ngỡ ngàng trước những gì đang diễn ra trước mắt: “Có cảm giác mọi thứ vận hành liên tục, không ngừng nghỉ và rất ăn khớp. Chúng tôi gần như bị choáng vì sự chuyên nghiệp và hoành tráng của dây chuyền sản xuất.”

 

Còn với chị Sâm, những ngày đi đào tạo đã thực sự mang lại cho mình nhiều kiến thức hơn bao giờ hết:

 

“Có những khi bài học khó quá nên chỉ nghe phiên dịch thì không hiểu hết được, chính các anh chị có kinh nghiệm trong đoàn đã nhiệt tình chia sẻ kiến thức,cùng nhau bàn luận, tìm tòi để hiểu được gốc rễ vấn đề. Cũng trong thời gian này, chúng tôi được trực tiếp thực nghiệm dây chuyền, được lắp ráp thử, đo đạc trên các trang thiết bị mà chưa từng được thực nghiệm tại trường đại học”.

 

Nhớ lại những ngày đầu tiên sau khi đào tạo về, chị Giang cùng các đồng nghiệp lại thêm một lần căng mình để thiết kế, xây dựng nhà xưởng đầu tiên của Samsung tại Bắc Ninh. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên trong thời gian đầu setup dây chuyền chạy thử, việc phát sinh lỗi hay gián đoạn thường xuyên xảy ra, và còn khó hơn nữa khi có những lỗi mà cả Việt Nam và Hàn Quốc chưa từng gặp. Lúc ấy, cả đội phải tập trung hết sức, làm việc ngày đêm để tìm hiểu và khắc phục cho kịp tiến độ.

 

“May mà sau chừng một tháng thì mọi việc dần đi vào quỹ đạo. Lúc này tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm,” nhớ lại những ngày ấy, chị Loan đến giờ vẫn còn cảm thấy ngày cách đây hơn 10 năm như mới hôm qua.

 

Bằng quyết tâm và tài năng, những trái ngọt đầu tiên mà ba chị được nhận về chính là sự ổn định của dây chuyền sản xuất khi chính thức đi vào vận hành. Khi ấy là tháng 4 năm 2009, nhìn những chiếc điện thoại đầu tiên được hoàn thiện chạy nối tiếp trên dây chuyền khép kín hiện đại bậc nhất trên thế giới, cả ba cô gái đều không giấu được niềm hạnh phúc.

 

12 năm đã trôi qua, bộ ba Sâm, Loan, Giang cùng hàng trăm kỹ sư từ những ngày đầu vẫn gắn bó với Samsung. Nhìn lại hành trình ấy, điều khiến cho chị Giang tâm đắc nhất, đó chính là Samsung không chỉ trao kiến thức mà còn trao quyền cho chính các cán bộ, kỹ sư người Việt Nam:

 

 “Trong mọi lúc, các bạn Hàn Quốc đều nhắc chúng tôi rằng chính chúng tôi mới là linh hồn của nhà máy. Chúng tôi được trao quyền để làm chủ công nghệ, thậm chí phát triển những mảng riêng mà chỉ Samsung Việt Nam mới có.”

 

Minh chứng cho điều đó chính là những dự án mà Samsung Việt Nam đã và đang đảm nhận. Nếu như ở những năm đầu tiên, Việt Nam chỉ tham gia khâu cuối cùng khi sản xuất hàng loạt theo hướng dẫn của chuyên gia Hàn Quốc thì hiện nay toàn bộ các sản phẩm, trong đó có những sản phẩm cao cấp nhất đều được sản xuất thử nghiệm tại Việt Nam.

 

Chị Đoàn Hương Giang vừa thuộc lứa kỹ sư đầu tiên trong những ngày thành lập SEV vừa là người tham gia công cuộc thành lập SVMC

 

Với chị Giang, chị còn là một trong số những người đầu tiên tham gia vào công cuộc thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển điện thoại Di động mới của Samsung Việt Nam (SVMC), hiện đang đặt tại Hà Nội. Từ khi thành lập đến nay, SVMC ngày càng lớn mạnh và trưởng thành hơn khi trở thành đầu tàu nghiên cứu nhiều dự án trọng điểm của tập đoàn như ứng dụng S Note, “mạng xã hội” PEN.UP cho chiếc bút S Pen, Smart Switch…

 

12 năm đã qua, tuổi thanh xuân đẹp nhất của ba chị đã dành trọn cho Samsung Việt Nam, và chắc chắn, mối lương duyên ấy sẽ còn kéo dài hơn nữa.

Doanh nghiệp > Con người & Văn hóa

Nếu có thắc mắc liên quan đến dịch vụ khách hàng, xin truy cập https://www.samsung.com/vn/info/contactus để được trợ giúp.
Nếu có các câu hỏi liên quan đến báo chí, xin liên hệ qua địa chỉ xinchao.samsung@samsung.com.

Xem qua những câu chuyện mới nhất về Samsung

Tìm hiểu thêm
Lên đầu trang